Nét đặc sắc dân tộc trong tranh khắc gỗ Việt Nam

Nhắc tới tranh khắc gỗ của Việt Nam, người ta thường nhớ tới họa sĩ Trần Nguyên Đán. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, ông làm việc bền bỉ, lặng lẽ để tôn vinh văn hóa Việt. Những sáng tạo của ông đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Nhà nước với cụm 5 tác phẩm: ‘Nghệ nhân Hàng Trống’, ‘Chăm học chăm làm’, ‘Trở lại Tam Bạc’, ‘Hội đền Hùng’ và ‘Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội’.

Gà đàn, tranh Đông Hồ

Chăn trâu thổi sáo, tranh Đông Hồ

Tranh khắc gỗ Việt nam – từ truyền thống tới hiện đại

Các dòng tranh dân gian Việt Nam được đoán định ra đời sớm nhất từ khoảng thế kỷ XVI – XVII và lần lượt phân bố khắp cả nước, từ Bắc chí Nam, từ nông thôn (Đông Hồ) tới thành thị (tranh cúng Sài Gòn), từ kinh đô (Hàng Trống) hay ven đô (làng Sình), từ đồng bằng (Kim Hoàng) lên tận miền núi (tranh thờ miền núi Việt Bắc). Nội dung khá đa dạng nhằm phục vụ cho đủ nhu cầu của toàn thể dân chúng: từ thờ cúng, bùa chú, cầu phúc, vui chơi, châm biếm xã hội, minh họa tích truyện cổ… cho đến hình tượng các anh hùng dân tộc.

Về kỹ thuật: phần lớn đó là tranh khắc gỗ in trên giấy dó, giấy bản, giấy điệp… với các mầu dân gian tự chế hay mầu phẩm. Kích thước tranh từ nhỏ như “lá mít” đến to hơn khổ A0, từ đơn chiếc tới tranh bộ, từ ngắn ngủn đến nối dài vài chục mét (tranh thờ miền núi).

Cách in cũng phong phú: Đông Hồ in tất cả các công đoạn từ mầu tới nét, Hàng Trống và làng Sình chỉ in nét rồi tô tay bằng phẩm, Kim Hoàng in nhá lượt đầu để lấy cữ vẽ mầu rồi mới in nét chuẩn đè lên, riêng tranh cúng Sài Gòn chỉ in một lượt mầu đen…

Nền tranh thường là nền giấy nhưng riêng Đông Hồ chế ra nền điệp rực rỡ và Kim Hoàng luôn in trên nền đỏ. Nét khắc có thể dày và thô mộc như Đông Hồ, lại có thể mảnh mai và uốn lượn khéo léo như Hàng Trống mà cũng có khi đậm đặc để tạo mảng như tranh cúng Sài Gòn. Mầu được vờn uyển chuyển mượt mà như Hàng Trống hay để lộ các nhát phệt bút như Kim Hoàng hoặc in chồng đè tạo chất như Đông Hồ…

Bắt cá, khắc gỗ, 1995 

Truyền thống phương Tây khắc gỗ thớ dọc, chú trọng tả khối trong không gian mà truyền thống phương Đông (trong đó có Việt Nam) khắc thớ ngang, chú trọng tả mảng và nét, vậy mà hầu như chưa ai thấy tranh khắc nào của thời Đông Dương khắc thớ dọc cả- chỉ riêng điều này đã cho thấy dấu ấn rõ nét của Hiệu trưởng đầu tiên.Trong vòng 20 năm Mỹ thuật Đông Dương (1925- 1945) đã xuất hiện một số tranh khắc gỗ nổi tiếng như: Bến thuyền sông Hồng của An Sơn Đỗ Đức Thuận, Gội đầu của Trần Văn Cẩn và bộ tranh khắc gỗ về Truyện Kiều hội tụ những họa sỹ bậc nhất thời bấy giờ như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tường Lân, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Tôn Thất Đào…

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *